5 Kinh nghiệm viết của nhà văn Kurt Vonnegut

Nhân dịp trải qua 2 tháng hè dạy em út một vài kinh nghiệm viết văn và cũng nhân dịp tớ vừa tình cờ đọc lại một quyển sổ tay cũ của mình từ vài năm trước, tớ cảm thấy mình nên nói một chút về việc viết. Trước tiên, mình hãy cùng nhìn lại ý nghĩa của việc viết đối với bản thân người cầm bút đã nhé.

Ghi chép lại quá khứ

Chắc cậu đã đọc ở đâu đó rồi, rằng việc viết sẽ khai thông tâm trí, làm rõ ra những ý niệm mơ hồ trong đầu chúng ta. Về chuyện này, tớ hoàn toàn đồng ý. Sau một mùa hè nhìn đứa em vật lộn với việc đưa suy nghĩ của nó lên giấy, tớ thấy kỹ năng viết thật là quan trọng. Chúng ta có thể nói rất rành rọt, nhưng đến lúc viết lại gặp bao nhiêu là vấn đề về việc lặp từ, câu nối, chấm phẩy, tách đoạn,… Và phải bỏ công gắng sức biên tập thì nội dung rõ ràng, liền mạch mới xuất hiện.

ý tưởng khi bạn viết ra
Nguồn: milaniCREATIVE

Nhưng bên cạnh đó, nó còn là một kiểu ghi ghép lại quá khứ. Ví dụ như khi đọc lại quyển sổ của mình vài năm trước viết về những câu hỏi mà tớ cứ mãi băn khoăn không có lời giải đáp, thì giờ đây tớ đã thấy những câu hỏi đó thật đơn giản hơn rồi. Và đó là cảm giác tớ thấy mình đã lớn lên, tớ vô cùng thích thú vì có một minh chứng rõ ràng cho thấy tâm trí mình đã có một sự phát triển nào đó trong những năm tháng đi học đại học.

cất giữ kỉ niệm
Viết giúp cất giữ kỷ niệm.

Như vậy, nếu muốn cất giữ lại kỷ niệm, thay vì chụp ảnh, cậu có thể viết, nó thậm chí có thể nói lên nhiều điều hơn là những bức ảnh.

Tạo ra di sản

Và cao cấp hơn nữa, việc viết có thể là công cụ để chúng ta tạo ra di sản cho mình. Cách đây vài tháng, bạn của tớ có nói về khái niệm di sản của một thương hiệu, và từ đó đến nay tớ nghĩ khá nhiều về nó. Kiểu, nếu thương hiệu cũng cần một di sản, vậy mình cũng sẽ cần một di sản chứ? Di sản của mình là gì? Và làm sao để tạo ra ít nhất một di sản cho bản thân? 

Rồi tớ nhận thấy riêng việc viết lại những điều bổ ích đã là một kiểu xây dựng di sản cho chính mình. Sau này lớn lên, già đi, tớ hy vọng bản thân sẽ nhìn lại những gì mình từng ghi chép và tự hào gật gù: “Đó là di sản của mình”. (Hy vọng là sẽ tự hào)

Kinh nghiệm viết của Kurt Vonnegut 

Nhưng mà nói đi cũng phải nói lại, để việc viết trở thành một thói quen và không chỉ tạo ra giá trị cho chính mình mà còn đem đến giá trị cho những người khác, chúng ta phải rèn luyện rất nhiều để trở thành một cây bút súc tích, tử tế, chuyên nghiệp.

Với tuổi nghề ít ỏi, tớ không tự tin mình đủ trình để chia sẻ những kinh nghiệm, nhưng tớ có đọc một số lời khuyên từ tác giả nổi tiếng Kurt Vonnegut (tác giả của 2 quyển tiểu thuyết nổi tiếng Slaughterhouse-FiveBreakfast of Champions) như sau:

  • Nếu muốn tìm chủ đề để viết thì hãy tìm một chủ đề mà chúng ta quan tâm (chứ không phải là chạy đua theo thứ mà người khác quan tâm). Vì sự chu đáo tận tình trong lối viết sẽ là thứ lôi cuốn và hấp dẫn nhất.
  • Viết càng đơn giản càng tốt. Tương tự như câu “To be or not to be” (“Sống hay không sống”) của nhân vật Hamlet, những câu văn nổi tiếng cũng đều đơn giản đến mức đọc như do trẻ con viết ra.
  • Hãy mạnh dạn bỏ đi thứ dư thừa. Dư thừa là khi câu văn không giải thích chủ đề của chúng ta theo một cách mới mẻ và hữu ích.
  • Để tác phẩm phản ánh đúng con người mình. Chúng ta tin tưởng những gì mình viết khi nó phản ánh chính chúng ta. Và người khác cũng sẽ tin theo.
  • Tôn trọng ngữ pháp.
Kinh nghiệm viết từ Kurt Vonnegut
Kurt Vonnegut (November 11, 1922 – April 11, 2007) | Nguồn: Science.

Tớ nghĩ đây là những điều căn bản nhất mà chúng ta nên nghiêm túc cân nhắc khi viết. Ngoài kia sẽ có rất nhiều người ra rả nói về kinh nghiệm của họ trong nghề cầm bút, từ việc tìm kiếm và trau dồi ý tưởng, cho đến việc hiện thực hóa bằng cách tìm thêm nguồn lực,… Nhưng rốt cuộc về mặt nội dung, văn phong và ngữ pháp, trên đây vẫn là những lời khuyên ngắn gọn mà đầy đủ nhất.

Tuy nhiên, tớ không hoàn toàn phủ nhận rằng những kinh nghiệm viết mới mẻ có thể sẽ hữu ích. Chúng ta đều biết rằng thế giới luôn xoay vòng và đổi mới mỗi giây mỗi phút, sẽ có những biến thể chất lượng hơn, phù hợp với tình hình hiện tại hơn. Dẫu sao, đó cũng là điểm thú vị của việc viết – những tác phẩm sẽ có ngày lỗi thời, và sự lỗi thời đó cũng một phần là do tác phẩm ấy mà ra.

Kết

Tớ nghĩ việc viết là dành cho tất cả mọi người và ai cũng có thể nhận được đầy đủ lợi ích từ nó. Như tớ hay như rất nhiều người ngoài kia, cậu cũng có thể bắt đầu viết ngay hôm nay để tạo ra giá trị nào đó mà có thể cất giữ lâu dài. Tôi yêu kinh nghiệm viết, kinh nghiệm viết hãy đến với tôi 😊

“You can always edit a bad page. You can’t edit a blank page” – Jodi Picoult

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *