Ý nghĩa cuộc sống là gì? Tổng hợp các lời khuyên quý báu

Kể từ hồi lên cấp 3, tớ đã bắt đầu rơi vào vòng xoáy câu hỏi ý nghĩa cuộc sống là gì? Rốt cuộc mình tồn tại để làm gì? Tại sao mình phải cố gắng? Tại sao mọi người xung quanh đều đang cố gắng?

Nói chung là thế. Đó là một vòng xoáy mà tớ không có đủ trình độ để tự thoát khỏi. Đặc biệt là sau khi xem Bojack Horseman, tớ thật sự nghi hoặc về ý nghĩa cuộc sống, khi mà một chú ngựa tài năng, giàu có, “đẹp mã” như Bojack mà vẫn không thoát ra được vòng lặp của sự vô định, dù đã được nhiều người giúp đỡ (trong đó có cả viện cai nghiện và tham vấn viên chuyên nghiệp) thì vẫn cứ là thấy chán đời như thường. Tớ kiểu, là cuộc sống vô vị đến vậy đó hả? Là nổi tiếng, ăn ngon, mặc đẹp, have sex, hút chích,… rốt cuộc đều vẫn chẳng cứu nỏi sự chán đời á hả? Khủng hoảng hiện sinh quá!!!

Khủng hoảng hiện sinh

Nhưng mà, may mắn là, mỗi lần chúng ta gặp một vấn đề thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chuẩn bị học được một bài học quý giá nào đó. Lần này tớ gặp vấn đề về khủng hoảng hiện sinh, nghĩa là tớ cũng sắp học được một bài học về ý nghĩa của cuộc sống, nhỉ?

Khủng hoảng hiện sinh

Thế là tớ đi hỏi tất cả mọi người.

Ý nghĩa cuộc sống là gì? Điều gì làm mọi người cảm thấy hạnh phúc?

Tớ nhận được rất nhiều câu trả lời, nhưng mà sẽ có một số ý tương tự nhau nên tớ sẽ tổng hợp lại bằng nội dung dưới đây. Lưu ý rằng, ý nghĩa cuộc sống và những điều có thể làm chúng ta hạnh phúc dường như được những người trả lời này xem là có cùng một khái niệm, do đó, tớ sẽ không tách bạch hai thứ này với nhau.

1. Những điều mà hầu hết chúng ta coi là nhỏ nhặt

Như nấu ăn

Ở bên người thân

Ăn một món ngon

ý nghĩa cuộc sống

Có nhà để về

Ngủ được một giấc căng tròn

Thấy mình đẹp hơn mỗi ngày

Thấy mình giỏi hơn mỗi ngày

Chấm chấm chấm (một danh sách cụ thể dài bất tận)

2. Tình yêu

Là yêu 

Và được yêu

Tình yêu không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình yêu gia đình, yêu thiên nhiên, yêu muôn loài, yêu thứ to hay yêu những thứ nhỏ nhỏ quanh chúng ta,… có tình yêu, chúng ta thấy hạnh phúc.

yêu và được yêu

Nhưng mà đã cố học cách yêu như vậy rồi, cố gắng trân trọng hạnh phúc với những điều nhỏ nhặt như vậy rồi, rốt cuộc ta vẫn không hạnh phúc thì sao? Trong trường hợp đó, mà trường hợp đó lại rất giống trường hợp của tớ trong thời gian trước, thì tớ có một lời khuyên là cứ kệ thôi. Sau đây là câu trả lời mà tớ tâm đắc nhất khi không biết phải làm gì để thoát khỏi trạng thái trống rỗng: 

– Một hơi thở cũng là quan trọng lắm, nhiều lúc mình chỉ cần thở thôi, thở đã là một kiểu cố gắng rồi, và cảm ơn vì vẫn còn thở.

Ừa, đâu cần làm gì đâu, trong lúc trống rỗng, cảm thấy đời vô vị, mình chỉ cần thở thôi. Vậy là ổn rồi.  

Bớt cảm thấy vô vị rồi, thì sao nữa?

Khi thoát khỏi trạng thái chán chường, với tư cách là một con người được trông đợi rất nhiều bởi gia đình và đang ở trong độ tuổi dưới 30 cần đầy sự cố gắng chứng minh bản thân, tớ, bắt buộc phải cố gắng, và đặc biệt là phải cố gắng bằng những lý do đến từ bên trong (như vậy thì mới giữ kỷ luật thép được).

Nghĩ đến chuyện cố gắng như thời ôn thi vào trường chuyên, hay phải mày mò và ám ảnh với những kiến thức mới để không bị tụt lại so với những học bá như thời học cấp 3, tớ thấy mình muốn thở một hơi dài. Tớ không nghĩ mình có đủ lý do để cố gắng như thời đó. 

Cố gắng để làm gì nhỉ? 

Nhà lầu, xe hơi? Tớ không chắc là mình có khao khát về chúng.

Đồ ăn ngon tại nhà hàng lắc xu rì? Tớ không có nhu cầu.

Lên đồ, đi bar, du lịch, quẩy banh nóc với hôi bạn giàu có? Hẳn là không.

Để chứng minh với ai đó? Cũng không hẳn, tớ không có khao khát chứng minh mình với ai. 

Nhưng tớ biết tớ không được bỏ bê bản thân, cũng không thể bỏ bê tương lai của mình bằng cách thổi tắt mọi nhu cầu và khao khát mà mình có thể tận dụng để lấy làm động lực tiến lên. 

Tớ phải tìm được khao khát gì đó trong mình!!!

Tớ không muốn mình đứng chững lại và chỉ quanh quẩn trong vùng an toàn. Tớ cũng muốn làm được gì đó, nhưng làm gì thì tớ không rõ. Mà tại sao phải làm gì đó nhỉ? Để thấy cuộc sống ý nghĩa chăng?

 

Tớ ôm câu hỏi này, nhấp nhám nó mỗi ngày, cho đến đêm hôm qua. Đêm hôm qua tớ vào Spotify, gõ tên Giang Ơi, nghe đại tập “người lớn sống để theo đuổi điều gì”, và tớ nghe được câu trả lời.

Cậu có thể nghe tại ĐÂY cho lẹ nè.

 

Đại để là, chị Giang ví cuộc đời chúng ta giống như một trò chơi vậy, mà chúng ta phải leo lên từng level từng level một. Cái minh chứng rõ ràng nhất đó là đứa con bé xíu của chị chơi trò đưa các hình vuông hình tròn vào các lỗ hình vuông hình tròn tương ứng, ngay cả chị ngày xưa cũng thế, nhưng bây giờ khi đã lớn hơn thì chị sẽ không chơi nữa. Nếu muốn chơi game, chị sẽ tìm một trò chơi nào đó phù hợp với trình của mình, với một độ khó vừa đủ để chị giải quyết vấn đề, nhận phần thưởng là cứu được công chúa, lên rank, nhận xu, bất cứ thứ gì,… miễn là nó vừa đủ khó và cuối cùng chị nhận được phần thưởng.

Và cuộc đời chúng ta cũng vậy. Chúng ta sẽ không thể nào vui vẻ được khi làm những thứ nhàm chán như chơi lại trò chơi con nít. Chúng ta sẽ cần phải tăng độ khó của trò chơi lên để cuối cùng đạt được sự thỏa mãn. Và khi giành được một phần thưởng, chúng ta sẽ lại cần giải đố tiếp, đi tìm một trò chơi mới khó hơn.

Khao khát của con người là giải quyết vấn đề – Chị Giang nói.

 

Vậy là tớ không cần tự hỏi vì sao mình cần phải cố gắng nữa. Vì từ giờ tớ đã biết bản chất con người mình là muốn giải quyết vấn đề rồi. Dù cho vấn đề đó là gì, dù phần thưởng mà nó mang lại lớn hay nhỏ, tớ đều sẽ mong muốn giải quyết nó, vì tớ là một con người và khao khát của tớ chính là như vậy.

Tớ khao khát được giải quyết vấn đề. 

Khi sớm mai thức giấc

Tớ sẽ tìm kiếm vấn đề và giải quyết nó. Có thể là bằng một ý chí sục sôi, hoặc chỉ đơn giản là tìm-thấy-rồi-giải-quyết mà chẳng cần nghĩ gì thêm. Nhưng tớ cũng sẽ hết sức lưu ý là, vấn đề mới sẽ luôn xuất hiện, sẽ không có một điểm thảnh thơi nào kéo dài, và như thế cũng đồng nghĩa với việc không còn rảnh rỗi và chán chường vì mọi chỗ trống đều được lấp đầy bằng giải quyết vấn đề, chỉ có tìm và giải quyết vấn đề mà thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *