Cảm hứng của tớ khi nói về sự chuyển hóa là từ Nam Hoa Kinh của triết gia Trang Tử, ông có ghi lại ngụ ngôn về con chim Bằng sải cánh che được cả bầu trời, một lần bay về Ao Trời ở phương Nam, nó phải lên cao chín muôn dặm mới bắt đầu hành trình bay của mình. Lũ ve thấy vậy thì cho rằng Bằng chỉ tốn công phí sức bay lên cao, nhưng kẻ có tầm cỡ thật sự như Bằng mới hiểu chín muôn dặm đó so với toàn bộ hành trình mới chỉ là một bước chuẩn bị công phu cần thiết. Câu chuyện của Bằng là một ví dụ điển hình về sự chuẩn bị và chuyển hóa của một người.
1. Chuyển hóa và đợi chờ
Chuyển hóa là quá trình chậm rãi mà thậm chí đến bản thân chúng ta cũng thường không nhận ra. Với hầu hết mọi người, quá trình chuyển hóa diễn ra âm thầm đến mức họ có thể từ từ trở thành một người tệ trong nhiều năm mà không hay biết hoặc cũng có thể từ từ trở thành một phiên bản tốt hơn lúc nào chẳng hay. Chỉ cho đến một ngày nào đó vô tình nhìn lại, họ mới phát hiện ra mình đã khác xưa quá nhiều.
Trong quyển The third door, khi biết nhân vật chính gặp khủng hoảng với những kết quả của bản thân vì cứ làng nhàng, chẳng có một bước đột phá nào, Elliott Bisnow đã nói rằng: “Cậu là đồ ngốc. Cậu đã đặt câu hỏi ngu ngốc đó khi chúng ta gặp nhau lần đầu và anh đã nói với cậu rằng không có điểm bùng phát nào cả. Tất cả đều là sự kết hợp của những bước nhỏ.” Là như vậy, hầu hết mọi quá trình, đặc biệt là quá trình cải thiện bản thân, đều là tập hợp của những thành tựu bé xíu mà mắt thường chẳng thể nhìn thấy. Nhưng điều kì diệu là vô số thành tựu nhỏ kết hợp lại có thể tạo nên một quái vật thực thụ.
Và cũng vì quá trình chuyển hóa diễn ra chậm rãi, chúng ta sẽ cần có sự nhẫn nại để vừa chăm chỉ làm việc, vừa đợi chờ đường đến đích ngày một ngắn dần. Vũ Cát Tường từng nói trong Have a sip rằng: “Ngồi trước một cánh cửa, đợi chờ cánh cửa đó mở ra cũng là một kiểu cố gắng”. Cũng đúng nhỉ?
2. Chuyển hóa và giáo dục
Để duy trì ngọn lửa, chúng ta cần cung cấp nhiên liệu đốt,… Cũng như vậy, muốn quá trình chuyển hóa diễn ra, chúng ta cần tiếp vào cơ thể những nguyên liệu mà ở đây thường sẽ là trải nghiệm, suy luận dù là ngắt quãng, cộng với hiểu biết được tích góp từ từ trong nhiều tháng nhiều năm.
Ngày nay chúng ta thấy rất nhiều trường chuyên, lớp chọn, với mức độ đầu tư từ cao đến khủng khiếp. Lý do đơn giản là vì các bạn học sinh còn nhỏ sẽ không ý thức được rõ ràng về môi trường phù hợp cho sự phát triển của mình, và người lớn sẽ phải hỗ trợ các bạn bằng cách tạo ra môi trường chất lượng, từ đó các bạn mới vô thức tiếp nhận các nguyên liệu tốt đẹp để chuyển hóa.
Còn chúng ta thì đã lớn (chắc thế nhỉ?), không còn được giúp đỡ như các bạn học sinh nhỏ nữa nên sẽ phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm các nguyên liệu. Nếu muốn trở thành một phiên bản tốt hơn, chúng ta phải cất công tự tạo ra môi trường phù hợp cho mình để học hỏi. Tớ thì thường xuyên nhìn nhận lại những gì mình đang tiếp xúc mỗi ngày, đánh giá chúng và quyết định thứ gì được ở lại, thứ gì không.
3. Chuyển hóa và nội lực
Chuyện chuyển hóa cũng liên quan đến nội lực hay sự tự tin của một người. Tớ nghĩ lý do tự ti phổ biến nhất của chúng ta là do tự so sánh mình với những chuẩn mực quá cao, thậm chí cao đến mức có cố gắng cả đời không thể với tới được.
Trong trường hợp chưa ai nói với cậu, hãy nhớ rằng mọi thứ hào nhoáng, mọi thành công của tất cả những người ngoài kia đều phải trả giá bằng rất nhiều nỗ lực và thời gian (nếu người trả không phải là họ thì cũng là ông bà, cha mẹ họ). Hiểu điều này, cậu sẽ bình tĩnh chấp nhận mình chỉ đang chuyển hóa và sẽ sớm thành một nhân vật tinh hoa giống như họ. Mà nếu cả đời này cậu không thể vươn lên đến đẳng cấp đó, thì thế hệ sau của cậu sẽ tiếp tục chuyển hóa và cố gắng. Cuộc đời có những nấc thang như thế, mọi người sinh ra trên những background khác nhau, chúng ta phải học cách chấp nhận thôi.
Vậy nên bất cứ khi nào cảm thấy tự ti, cậu hãy nhớ rằng mình vẫn đang chuyển hóa, rồi giơ ngón giữa lên với những gì đang thúc ép cậu (#j4f =)).
4. Coi thường sự chuyển hóa?
Tớ đã có dịp tiếp xúc với nhiều người vô tình bỏ qua hoặc không chấp nhận được những sự thật về chuyển hóa. Biểu hiện thường thấy của họ là bắt nạt, chèn ép, đánh giá thấp người khác. Nếu cậu tìm kiếm sự bao dung từ họ thì sẽ không giờ tìm thấy đâu! Nhìn chung thì họ sẽ vội vã kết luận, vội vàng phán xét, không khiêm nhường đĩnh đạc cho lắm. Và thường thì kết hợp với đó, họ còn hay khoe mẽ, tâng bốc, nói sai sự thật về chính mình, có lẽ là do không ý thức được bản thân mình vẫn đang chuyển hóa và còn rất nhiều điều phải học hỏi.
Hậu quả thì rõ ràng, trong công việc, những người này chỉ nói được mà không làm được, gây ảnh hưởng xấu tới những tổ chức mà họ tham gia. Còn trong cuộc sống hàng ngày, họ không tạo được cho người khác cảm giác thấu hiểu và an yên. Tớ tin là nếu hiểu bản thân đang ở mức nào, đang chuyển hóa ra sao, thì có lẽ họ sẽ sống bao dung, tốt tính hơn nhiều nhiều.
Transformation is a journey without a final destination – Marilyn Ferguson.
Kết
Chúng ta đều tôn trọng mọi người xung quanh không chỉ vì họ của hiện tại mà còn là vì phiên bản tốt đẹp hơn mà họ có thể trở thành. Và hãy từ từ chuyển hóa, đừng đốt cháy giai đoạn, nếu cậu tích cực sàng lọc và thu lượm nhiều yếu tố tốt đẹp cho cuộc sống của mình, sớm muộn cậu cũng sẽ chuyển hóa trở thành một phiên bản pro hơn. Do đó, cứ mặc kệ lũ ve, bay lên chín muôn dặm rồi bắt đầu hành trình vĩ đại thôi. Thời gian sẽ trả lời tất cả.
Pingback: Review The Legend of Vox Machina - chanh-cookie.com
Pingback: Hiểu mình hiểu người - chanh-cookie.com
Pingback: Cuộc sống vốn tuần hoàn và không áp lực - chanh-cookie.com