Tớ nghĩ đã có rất nhiều người nói về chuyện này rồi, rằng sẽ có những người đặt ra mục tiêu mà không nghĩ đến quá trình làm sao để đạt được nó. Nhưng mà đến tận bây giờ tớ mới tìm ra được cách giải quyết cho mình, có thể nó sẽ giúp ích gì được cho cậu nữa chăng?
Đích đến, quan trọng hay không?
Trước hết, tớ muốn nói về hướng suy nghĩ chúng ta hiện nay (tớ cũng đã từng) khi lên một kế hoạch nào đó, chúng ta chỉ đơn giản là mường tượng về tương lai ta muốn đạt được là gì, và ta sẽ chăm chú xét đến cái đích đến cụ thể đó và khả năng hiện tại của mình so với cái đích đó.
Nói vậy không có nghĩa là tớ thấy điểm kết thúc không quan trọng. Đôi khi điểm kết thúc mới là thứ quan trọng nhất. Kết quả một trận bóng đá căng thẳng chỉ phụ thuộc vào phút dứt điểm.
Nhưng
Nhưng không phải mọi thứ trên đời đều giống như một trận bóng đá. Có những điểm đến đòi hỏi chúng ta nỗ lực nhiều hơn 90 phút ra sân, chúng có thể kéo dài nhiều tuần nhiều tháng nhiều năm. Và lúc này, có một thứ khác bắt đầu trở nên quan trọng hơn là: Quá trình theo đuổi mục tiêu.
Gần đây tớ bắt đầu đọc quyển Flow, và một khái niệm lớn nhất trong sách là khái niệm Dòng chảy – Chúng ta tìm kiếm được hạnh phúc và sự thỏa mãn thật sự khi hoàn toàn chìm đắm vào một công việc trong hiện tại. Quá trình nỗ lực đem đến thậm chí nhiều hạnh phúc hơn cho chúng ta so với khoảnh khắc đạt được thành quả mà chúng ta hằng mong muốn.
Và nếu kết luận sau 25 năm nghiên cứu này của tác giả Mihaly Csikszentmihalyi là đúng, chí ít là đúng một phần, thì chúng ta cũng đã có lý do để chú tâm hơn vào việc lựa chọn quá trình theo đuổi mục tiêu thay vì chỉ chăm chăm lựa chọn đích đến cuối cùng rồi.
Do đó
Tớ đã bắt đầu nghĩ theo một cách khác
Thay vì tự hỏi:
- “Mình có thích điểm đến đó hay không?”
Tớ tự hỏi:
- “Mình có thích quá trình đi đến điểm đó hay không? Liệu mình sẽ tâm huyết, chìm sâu vào công việc đó chứ?”
Rồi mới chính thức chấp nhận và chịu trách nhiệm với cái mục tiêu đó.
“The best moments in our lives are not the passive, receptive, relaxing times…the best moments usually occur when a person’s body or mind is stretched to it’s limited in voluntary effort to accomplish something difficult and worthwhile” – Mihaly Csikszentmihalyi
Bởi vì đã quá rõ ràng, đôi khi chúng ta có năng lực để làm điều đó, nhưng con đường đó không phải cái mà ta yêu thích. Và vì cái vui nhất chính là thời gian 1 tiếng 2 tiếng 3 tiếng làm thứ đó liên tục mỗi ngày, chứ không chỉ là khoảnh khắc đạt được thành quả sau nhiều năm, nên thật sự rất đáng cân nhắc.
Tóm lại
Lúc lên một kế hoạch hay nghĩ về một mục tiêu, mình hãy nghĩ thêm về việc mình có thích trải nghiệm con đường đến mục tiêu đó hay không, vì con đường đó mới đóng góp nhiều hơn cho hạnh phúc nói chung. Rồi tự nhiên, thành quả cuối cùng sẽ đến như một lẽ thường tình, tớ tin thế.