Lại một lần nữa, tớ xem một bộ phim chuyển thể từ tựa game mà mình chưa từng chơi trước đó – Fallout. Ấn tượng mà loạt phim này mang lại cho tớ là bối cảnh và những pha hành động rất hoang dại, chấm phá trong đó là các đoạn chém giết tàn nhẫn được lồng với tiếng nhạc retro nhẹ nhàng đến ngược ngạo. Chắc đó cũng là một trong những điều khiến series này trở nên khác biệt hẳn giữa rừng tác phẩm điện ảnh của năm nay?
Bối cảnh thế giới hậu tận thế
Chiến tranh trong Fallout, thường được gọi là “Đại chiến tranh” (The Great War), diễn ra vào năm 2077, kéo dài vỏn vẹn hai tiếng đồng hồ bởi bom hạt nhân và tàn phá gần như toàn bộ hành tinh. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chiến tranh là sự tranh chấp tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ, giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Sau khi bom nổ, cả hành tinh biến thành một vùng đất hoang tàn, cực kỳ ô nhiễm vì phóng xạ. Con người phải sống trong các hầm trú ẩn (Vault) do tập đoàn Vault-Tec xây dựng để tồn tại.
Như vậy, các sự kiện chính trong phim diễn ra vào thế kỷ 23, hơn 200 năm sau thảm họa. Lúc đó thế giới bên ngoài hầm trú ẩn Vault đã thay đổi hoàn toàn, với những cộng đồng người sống sót, những sinh vật đột biến và những tàn tích như đống hổ lốn từ nền văn minh cũ.
Các tuyến nhân vật chính
Phim không chỉ tập trung vào một nhân vật, mà kể song song câu chuyện của ba nhân vật chính, với những mục tiêu và hoàn cảnh khác nhau, nhưng cuối cùng họ sẽ gặp nhau và ảnh hưởng đến nhau:
Đầu tiên là Lucy MacLean (Ella Purnell) – cô gái trẻ sống trong Vault 33, một hầm trú ẩn được biết đến với sự hòa bình và lạc quan. Khi cha cô bị bắt cóc, Lucy quyết định rời khỏi Vault, lần đầu tiên đặt chân vào thế giới bên ngoài đầy nguy hiểm. Cô đại diện cho sự ngây thơ, lòng tốt và tinh thần khám phá hiếm thấy còn sót lại của con người.
Tiếp theo, Maximus (Aaron Moten) – chàng thành viên trẻ của Hội Anh Em (Brotherhood of Steel), một tổ chức quân sự công nghệ cao rất coi trọng sức mạnh và kỷ luật. Maximus mang trong mình những hoài bão và mong muốn chứng tỏ bản thân, nhưng cũng phải đối mặt với những mâu thuẫn nội tại và khó khăn trong tổ chức. Anh này suýt bị “xử” 2 lần bởi hội nhưng vì có plot armor nên anh vẫn sống dai nhanh nhách (#jf4🐧)
Cuối cùng, The Ghoul (Walton Goggins) – một thợ săn tiền thưởng bị đột biến do nhiễm phóng xạ (Ghoul). Anh từng là một diễn viên đóng quảng cáo nổi tiếng trước chiến tranh. Vì đã sống qua hàng thế kỷ, chứng kiến sự suy tàn của thế giới lẫn nhân cách con người nên The Ghoul rất chai sạn, thực dụng. Ảnh phũ phàng như cách thế giới phũ phàng với ảnh. The Ghoul là một nhân vật phức tạp, vừa có tình người khi rất thương vợ thương con, nhưng lại vừa tàn ác khi giết người không nương tay.
Và sau đây là những điểm sáng giá của bộ phim đối với tớ… 👇
Yếu tố hài hước đen
Như tớ đã nhắc ở đầu, những cảnh bạo lực trong phim thường được thể hiện một cách cường điệu, đôi khi đến mức hài hước. Đây là một kiểu hài kịch đen (thường là) nhằm mục đích giúp tạo sự tương phản và tiếng cười trào phúng. Ví dụ, trong phim có những cảnh bắn nhau với hiệu ứng máu me khá phóng đại, nhưng đến khúc cao trào thì tiếng nhạc jazz, blues, swing lãng mạn vui tai lại cất lên, ai xem đến đoạn này chắc chắn đều sẽ thấy rất trớ trêu và rất nhờn 🐧 Cả buồn cười nữa.
Yếu tố hài kịch đen nói chung xuất hiện khá nhiều trong phim Mỹ, theo mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đối với một bộ phim có bối cảnh hậu tận thế khốc liệt như Fallout, những cảnh châm biếm thiếu nghiêm túc có lẽ chính là thứ cần thiết giúp tránh gây cảm giác quá nặng nề cho khán giả.
Lucy sống tốt ở ngoài hầm vì đã sống tốt ở trong hầm
Nghe thì vô lý vì sống trong hầm rõ ràng an toàn hơn rất nhiều khi ở ngoài hầm. Vậy tại sao Lucy – một cô gái sống 21 năm trong hầm Vault 33 lại sống sót thần kì ở bên ngoài được như thế?
Quay về môi trường sống của Lucy ở trong hầm, chúng ta có thể thấy ngoài việc bị che mắt trước rất nhiều sự thật tàn nhẫn, cô ấy đã được nuôi dạy rất tử tế để phát triển toàn diện. Ở đây, Lucy được học hành, được tiếp xúc với nghệ thuật và văn hóa, chơi thể thao rất cừ và cô đã phát triển đầy đủ về cả tinh thần lẫn thể chất.
Thế nên khi bước ra “đời”, Lucy cũng giống như một bạn trẻ đã được trang bị đủ hành trang lập nghiệp vậy. Cô có những kỹ năng xã hội mà ít người bên ngoài hầm có được. Cô cũng có nhiều sự lạc quan và lòng trắc ẩn hơn bất cứ ai – điều đã giúp khơi gợi lại lòng trắc ẩn từ những người xung quanh cô. Và vì có cả trí lẫn lực, cô không bị thế giới bên ngoài giẫm đạp đến chế*, cô đã sống rất dai và còn sống rất ổn so với xuất thân là một người trong hầm.
Trường hợp của Lucy hoàn toàn có thể liên hệ với thực tế, khi trẻ em nói riêng và tất cả chúng ta nói chung được nuôi dưỡng trong một môi trường an toàn và ổn định, chúng ta sẽ trở thành những người có bản lĩnh, xoay xở tốt hơn trước những tình huống khó khăn. Thuyết gắn bó (Attachment Theory) của John Bowlby có thể chống đỡ cho ý kiến này. Và vì thế, tớ rất ủng hộ việc nuôi dạy trẻ em với tinh thần ổn định, không bạo lực.
Vũ khí mạnh mẽ nhất là thời gian
Sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua câu thoại ban đầu nghe rất lùa gà của Bud – một trong những người đứng đầu Vault-Tec:
- “Thời gian là vũ khí tối thượng.”
- “Thời gian là thứ vũ khí mà ta dùng để đánh bại mọi kẻ địch. Đó là cách mà ta chiến thắng trò chơi tư bản. Không phải bằng vũ lực, mà bằng cách sống lâu hơn kẻ thù.”
Ý tưởng cốt lõi của Vault-Tec đã bị The Ghoul ngó lơ khi mới nghe, nhưng 200 năm sau, chính The Ghoul lại là người chiến đấu khổ sở nhất với thời gian khi cứ phải uống định kì một loại thuốc đắt đỏ dành cho dân ghoul.
Trong những cuộc chiến, thời gian không chỉ cho phép con người thích nghi mà còn mang đến những cơ hội quan trọng. Và không đâu xa, trong thế giới của chúng ta, thời gian vẫn thường được xem là “câu trả lời cho tất cả”. Kiên trì sau một thời gian, chúng ta sẽ hóa rồng hóa phượng 🐧, chờ đợi một thời gian, chúng ta sẽ biết được những sự thật giấu kín bấy lâu. Và truyền cảm hứng nhất đối với tớ là, sau thật nhiều thời gian, chúng ta sẽ quên đi.
Tương lai của nhân loại được gói gọn trong một từ?
Management! Từ đó chính là Management (quản trị). Đây là niềm tin sâu sắc của tập đoàn Vault-Tec, họ tin rằng sau chiến tranh hạt nhân, thế giới sẽ rơi vào hỗn loạn và chỉ có những người được “quản lý” một cách khoa học mới có thể tồn tại và xây dựng lại xã hội.
Tớ nghĩ chuyện này có thể đúng trong Fallout, khi mà Lucy – một người “được quản lý” chặt chẽ đang thành công từng bước thay đổi cục diện thế giới bên ngoài, chỉ có điều chí hướng của Lucy đi ngược lại những gì mà người hầm Vault 33 đã nuôi dạy cô =)))
Và management cũng quan trọng với từng cá nhân. Nếu xem thời gian là loại vũ khí tối thượng thì cách dùng thời gian, cách mà chúng ta quản trị mình sẽ chẳng khác gì kỹ năng sử dụng vũ khí cả. Quá lợi hại.
Không có ai chiến thắng trong chiến tranh
Quay về bối cảnh của bộ phim, sau những cuộc chiến kéo dài, không một ai là không chịu mất mát. Nào là các thành phố bị phá hủy hoàn toàn, môi trường bị ô nhiễm phóng xạ nặng nề. Nào là chính phủ và các cơ cấu xã hội tan rã, trật tự bị đảo lộn. Và rồi thì phóng xạ và virus gây ra những biến đổi khủng khiếp lên con người và động vật, tạo ra những sinh vật đột biến trông rất gớm ghiếc.
Những người sống sót thì hình thành các nhóm, cộng đồng và phe phái với những mục tiêu và lý tưởng khác nhau, thường xuyên xung đột vì tranh giành tài nguyên và quyền lực. Tranh giành khắc nghiệt như thế nhưng không ai cảm thấy an toàn vì cái chết luôn rình rập bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.
Tớ thấy tất cả các nhân vật đều lao vào cuộc chiến một cách bất đắc dĩ, với mong muốn duy nhất là được sống sót. Nhưng sống sót trong chiến tranh đâu có nghĩa là sống tốt. Và chừng nào còn chiến tranh, chừng đó tất cả các bên đều chịu thiệt thòi. Bởi vậy người ta vẫn hay nói, trong chiến tranh, không có ai thắng cả.
Fallout – Xem hay không?
Hay, Fallout cũng hay, nhưng chắc vì tớ còn vương vấn Arcane nên trải nghiệm xem phim chưa trọn vẹn lắm (kiểu không wow lắm 🤡). Về yếu tố khoa học viễn tưởng thì tớ thấy Rick and Morty sẽ sáng tạo hơn Fallout, về yếu tố hành động thì Arcane mãn nhãn hơn, về yếu tố tận thế – hậu tận thế thì Carol & the end of the world hợp gout tớ hơn. Nên là, Fallout, xem hay không? Câu trả lời sẽ là Xem, nếu cậu muốn thấy một Lucy tươi rói giữa thế gian đầy ải khổ, một Maximus từ người bị bắt nạt trở thành hero đối với bọn bắt nạt và một The Ghoul dù bị phong ấn nhan sắc nhưng vẫn còn vương lại những đường nét rất chi phong độ.