Tác phẩm hay một thành quả nghệ thuật, khoa học của con người cần có một cái lõi không gì lay chuyển được. Cái lõi này cũng giống như tầm nhìn sứ mệnh của một doanh nghiệp vậy. Thế cái lõi đó là gì?
Tớ mới đọc được một bài báo từ năm 2005 nói về tính Chân Thiện Mỹ của một tác phẩm văn học. Và tớ nghĩ, bộ ba tiêu chí này có thể được áp dụng cho tất cả, từ một bài thơ, một bức tranh cho đến một bộ phim, series điện ảnh và cả một công trình khoa học. Và vì nó có ý nghĩa như thế, sau đây tớ xin phép tóm tắt lại nội dung mà mình đã tham khảo.
Chân trong Chân thực
Chân ở đây là độ chân thực, là sự thật. Dù xã hội có đang ở giai đoạn nào, đạo đức có đang thoái trào ra sao thì sự thật vẫn sẽ cứ âm ỉ và tồn tại mãi. Vậy làm sao để đảm bảo tác phẩm của mình đạt tiêu chí “Chân”?
Thông điệp của tác phẩm cần đúng với bản chất của xã hội và con người. Nếu văn hóa, bản chất của chúng ta đang là ABC, hãy đảm bảo thông điệp mà tác phẩm truyền tải là ABC. Bạn có thể diễn tả ABC theo cách bay bổng, theo cách trần trụi, thêm yếu tố viển vông (khỉ biết nói, nấm biết đi),… nhưng tuyệt đối đừng tô hồng hay bôi đen ABC vì nó sẽ sai khác đi với cái “Chân”.
Thiện trong Thiện lương
Thiện là hướng thiện, hướng đến điều tốt đẹp. Yếu tố này quan trọng vì nếu không có nó, người ta sẽ lãng quên đi trách nhiệm cải thiện thế giới của mình. Thử nghĩ, nếu tác phẩm nào cũng khiến người ta hướng về điều tồi tàn, điều gì sẽ xảy ra? Có lẽ điều tồi tàn sẽ là chân lý mới.
Làm sao để đảm bảo tính hướng thiện của tác phẩm? Đảm bảo người ta xem hay đọc xong, người ta sẽ ăn năn/có thêm động lực để làm người tốt đẹp hơn, có ích hơn cho xã hội. Như vậy, dù cách diễn đạt có ra sao, tình tiết man rợ thế nào, cuối cùng cái kết vẫn nên khiến người ta có mong muốn sống tốt hơn.
Mỹ trong Mỹ miều
Mỹ là đẹp cả về nội dung lẫn hình thức. Yếu tố này theo tớ sẽ thay đổi nhanh nhất, đặc biệt là khi nói về hình thức. Chỉ 1-2 năm trước, hình thức này có thể được số đông coi là đẹp, nhưng 1-2 năm sau nó đã có thể bị người ta chê lên chê xuống (thế giới bây giờ chuyển mình nhanh chóng mà!)
Nhưng mà nội dung, về mặt ngữ nghĩa, câu cú thì có thể giữ được giá trị bền vững hơn. Dù không có một lời khuyên nào cho tất cả các tác phẩm, nhưng tớ vẫn tin là tác phẩm không rối rắm, không khiến người ta cảm thấy khó chịu vì lối diễn đạt vụng về là đã đạt mức ổn.
Chân – thiện – mỹ mãi là đích hướng của văn chương – Trích Báo Công an nhân dân.
Tình cờ tớ có một bài viết tổng hợp lời khuyên về cách tạo một nội dung, cậu có thể xem Ở ĐÂY
Hoa tiêu Chân Thiện Mỹ
Có lẽ nhìn mọi thứ qua lăng kính này cũng là một cách hay để chúng ta thử trong thời gian tới. Muốn đánh giá thứ gì đó, hay muốn đánh giá chính mình, hãy nghĩ về Chân Thiện Mỹ. Có thể bộ ba tiêu chí này sẽ là một hoa tiêu uy tín cho những giai đoạn mà ta chưa biết rõ bản thân mình thực sự muốn gì. Ngoài ra, cậu còn biết về lăng kính nào hay ho thì hãy nhắn cho tớ biết nữa nha, tớ rất trông đợi đó 🌹